"Hành trình cuộc sống"->Cảm nhận từ trái tim người Việt trẻ!

  
Câu lạc bộ đạp xe vì môi trường Quảng Bình

Re: "Hành trình cuộc sống"->Cảm nhận từ trái tim người Việt

Bài viết chưa xemgửi bởi Phở » Thứ 4 Tháng 7 07, 2010 11:12 am

Nghệ Tĩnh_Quê cha đất tổ (NK 30/6)

Rời Đồng Hới, chúng mình chạy thẳng đến Vinh mà không ghé Hà Tĩnh. Thú thực là mình chắng muốn ghé Hà Tĩnh mặc dù đây là quê cha đất tổ của mình vì mình chẳng quen biết ai ở đây cả, ghé thăm sợ phiền hà người ta. Đến Vinh mặc dù mình nói giọng Vinh rất chuẩn nhưng hơi vất vả để hỏi đường. Người dân ở đây không mấy thân thiện như thành phố khác. Chúng mình vào nhà o Hiếu – dượng Trường ở gần bệnh viện 115. Chúng mình hỏi dân địa phương bệnh viện một trăm mười lăm, người ta nói chẳng có bệnh viện một trăm mười lăm nào cả. Mình phải hỏi bệnh viện một – một – năm thì người ta mới chỉ đường.
Ba mình bảo mình nhất định phải ghé thăm Hà Tĩnh vì đây là nơi chốn nhau cắt rốn của ba, nếu con không ghé thăm lần này thì sẽ không có dịp đến đâu. Thế là chúng mình trở lại Hà Tĩnh.

Quê mình – chó ăn muối gà ăn đá
Quê mình là Đức Yên – Đức Thọ - Hà Tĩnh người ta nói là “xứ chó ăn muối, gà ăn đá” vì thiên nhiên quá khắc nghiệt chẳng làm ăn được gì. Mùa khô thì đây là trung tâm của gió Lào, mùa mưa thì lũ kéo về cuốn hết mọi thứ. Vùng đất này trống trải nắng gió nhiều nên sấm sét đánh triền miên, nhà nào cũng phải xây thêm 1 cái tháp đế chống sét. Ruộng đất thì chật hẹp mà dân số thì đông, mỗi nhà có 1-2 sào ruộng mỗi năm trồng được 2 vụ mỗi vụ được 3 -3,5 tạ lúa tính tổng cộng mỗi năm chưa được 2 tấn lúa trung bình mỗi cân giá khoảng 5000 vị chi khoảng 10,000,000 đồng chia cho cả nhà 5 người thì mỗi người được khoảng 2 triệu. Chưa tính các chi phí giống, nước, phân bón, thuốc trừ sâu. Việc nông vụ vừa ít tiền lại luôn phải đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt nên người nông dân khổ cực lắm. Trong khi đó đời sống ở đây thì đắt đỏ vô cùng, buổi sáng ăn 1 bát phở tốn 20,000 uống 1 cốc café 15,000 chỉ tính nhẩm nhẩm cũng thấy được đời sống ở đây khó khăn đến mức nào.
Có lẽ cái khổ đã thấm vào cách cư xử và suy nghĩ của người dân. Vừa nghèo vừa đối với thiên nhiên khắc nghiệt nên ai cũng hà tiện ăn không dám ăn, mặc không dám mặc cốt để dành khi hữu sự thì lấy ra xài. Nhiều người phải tha phương cầu thực đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, làm thuê nông nghiệp, có người đi buôn bán … kiếm được vài ba đồng lại tiêu xài nhiều nên cũng chẳng gửi về quê được bao nhiêu. Nhiều gia đình lại thoát nghèo bằng cách đầu tư cho con học hành, mong sau này nó được làm nhà nước có đồng lương ổn định, về già lại có lương hưu. Đời sống càng khó khăn thì càng khơi dậy ý chí vượt khó, chính vì lẽ đó mà rất nhiều anh tài hào kiệt xuất hiện từ vùng đất Nghệ Tĩnh này như Quang Trung, Phan Bội Châu, Nguyễn Tất Thành, Trần Phú, Nguyễn Du…


Thăm họ hàng bà con
Tuy khổ nhưng người dân rất quý trọng gia đình, lần đầu tiên mình được về quê nhưng được tiếp đón rất nồng hậu và chu đáo. Mình ở nhà dượng Khoa, được dượng dắt đi giới thiệu tất cả họ hàng nội ngoại.
Vì gia đình mình di cư vào nam từ năm 1954 nên họ hàng ở đây chẳng còn nhiều. Bên nội có ông Hóa là em của ông nội mình ông đã qua đời nên mình chỉ có thể thăm các con ông là chú Quý, o Trọng, chú Châu, o Báu, o Hiếu. Bà nội mình có 1 người em là bà Điều cũng đã qua đời nên mình chỉ thăm được chú Quý con bà Điều. Ông ngoại mình có hai người em là ông Cương và bà Khôi, bà ngoại thì có người em ở Thanh Hóa là ông Thường. Tất cả đều là những người mình chưa hề gặp, nhiều người thì ra tới đây mình mới biết nhưng ai cũng quý mên chúng mình và tiếp đãi rất chân tình.
Đất đai ở đây chật chội lắm, người sống còn chưa có đất huống hồ chi người chết. Vì vậy, sau khi chết người ta chôn vất vưởng trong một canh đồng nào đó, sau vài ba năm thì cải táng hốt cốt vào trong 1 cái hủ rồi chôn chung vào 1 mộ tập thể. Không kiếm được đất, mộ của ông Hóa chôn trong đê, cách đây 3 năm bị một trận lũ cuốn trôi đất bên trên may mà chưa cuốn hết hài cốt ông đi. Cũng nhờ vậy mà mộ ông được xây xi măng như thế này.
Chú Quý bảo sắp tới sẽ cải táng mộ ông Hóa để chôn cùng với ông bà Nhị và bà Hóa luôn. Trong nấm mồ của ông bà Nhị (xem hình trên) là nơi an nghỉ của 8 linh hồn.
Tới nhà ai chúng mình cũng được mời ở lại ăn cơm. Thật là hạnh phúc khi được ăn với bà con họ hàng nhà mình, nhưng vì thời gian hành trình có giới hạn nên mình không thể ăn cơm từng nhà được nếu mỗi nhà mình ăn 1 bữa thì phải ở đây đến nửa tuần. Mình chỉ ăn nhà dượng Khoa và ông Cương và đi uống café cùng Hoàng, Tuấn, dì Hòa, Cường con dượng Khoa.Mặc dù đời sống vật chất khó khăn nhưng đời sống tinh thần của người dân quê mình rất phong phú. Cứ đi vài trăm mét thì có một nhà thờ. Đây là hình nhà thờ họ Yên Trung, nhà thờ họ mà còn to hơn nhà thờ xứ ở Đà Lạt. Ở đây vào các dịp lễ bổn mạng và chầu lượt được tổ chức rất linh đình sau ăn uống chè chén say sưa. Bên cạnh đó có rất nhiều hoạt động như nhóm trẻ cầu nguyện teresa, các bà, nhóm các ông, nhóm trẻ làm việc bác ái, giáo lý viên, ca đoàn hoạt động rất đều đặn và tích cực.

Cảm xúc cội nguồn
Trước khi về quê thì chẳng muốn về, khi chia tay thì chẳng muốn rời xa. Đó là những cảm xúc của mình khi về thăm quê. Về quê lần này mình may mắn được gặp hầu hết toàn bộ bà con nội ngoại và cảm nhận được cái chất quê ở vùng đất khắc nghiệt này. Mình càng khâm phục ông bà cha mẹ mình quá, hồi ấy chinh chiến đã đành, trong tay không một đồng vốn vậy mà cả đại gia đình dám thực hiện một chuyến xuyên Việt tha phương cầu thực, mong tìm một vùng đất trù phú bình yên hơn. Thấy những nông dân ở đây làm ruộng vào mùa thì tất bật hết mùa thì thảnh thơi, còn ba mẹ mình thì vất vả suốt 365 ngày từ sáng sớm đến tối khuya, năm nay ba mẹ đã đến tuổi nghỉ hưu thế mà vẫn phải cày như trâu mong lấy công làm lời. Một chút chạnh lòng, mình lại thầm hát “bài cầu cho cha mẹ”
Rồi lớn lên con vào đời
Gặp biết bao nhiêu người thương
Dù có ai hy sinh cho con
Dù được ai cho cơm mâm ngon
Đi gần về xa kiếm đâu một mát nhà
Như nhà mẹ cha thiết tha từ ấy

Rồi lớn lên con xây non cao
Vượt biển khơi bay lên trăng sao
Khi về nhà xưa với cha và với mẹ
Vẫn là trẻ thơ bé như ngày nào

Mình muốn nói với ba mẹ rằng: “Ba mẹ ơi, con mãi mãi là thằng con bé bỏng trong mắt của cha mẹ. Con thèm được như hồi nhỏ đi học chưa về tới nhà thấy ba đang làm dưới vườn đã cố gắng hét thật to “ba ơi con về rồi”, con thèm ăn món thịt đông và ruốc xả mẹ nấu quá! Suốt mấy năm học xa nhà, ba mẹ không bao giờ thôi quan tâm đến con. Hơn nửa tháng hành trình rong đuổi khắp đất nước, con vẫn luôn nhận được những cuộc điện thoại đường dài hỏi thăm con có đau chân nữa không, chúc con bình an và nghị lực để bước đến cuối con đường đã chọn.
Dù được đi đây đi đó, được học hành đến nơi đến chốn, được tiếp xúc với nhiều người khác nhau, được tiếp đón nồng hậu nhưng con thấy thực sự chẳng nơi nào được như nhà mình, chẳng có ai thay thế được ba mẹ cả. Ba mẹ không những đã cho con hình hài, rèn luyện cho con một cách sống có nghị lực và giàu lòng nhân ái mà con cho con niềm kiêu hãnh tự hào pha lẫn sự nể phục. Nhận thức và cách sống mà con có được là do ba mẹ chắt chiu để đầu tư và truyền dạy cho. Tiền bạc và mối quan hệ con có là nhờ ba mẹ đã thiết lập cho một nền tảng, ba mẹ rướn hết sức để nâng con lên nơi cao nhất có thể, ở đó con chỉ xòe cánh ra là bay được rồi. Khi con giới thiệu là con của ba Hiên mẹ Thu, người ta đón tiếp nồng nhiệt như đón tiếp chính ba mẹ vậy, con cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện vô cùng.”
Ba ơi! mẹ ơi! Con yêu ba mẹ lắm! ba mẹ không biết khi viết đến những dòng này thì nước mắt con tuôn trào như thế nào đâu. Con khóc như 1 đứa con nít, khóc vì thấy mình được hạnh phúc quá!
Hình đại diện của thành viên
Phở
Tôi yêu QBO
Tôi yêu QBO
 
Bài viết: 841
Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 4 21, 2010 11:32 pm
Đến từ: TP Đồng Hới

Re: "Hành trình cuộc sống"->Cảm nhận từ trái tim người Việt

Bài viết chưa xemgửi bởi Phở » Thứ 4 Tháng 7 07, 2010 9:26 pm

Nhật ký hành trình 01/7

Phủ Lý_Cho là nhận


Tôi đi Phủ Lý mà chẳng hề biết Phủ Lý nằm ở đâu nữa! Tôi nghĩ đây là hành trình cuộc sống mà, cứ lên đường là đi thôi, khi đã biết điểm đến thì thể nào cũng tìm được lối đi. Anh Nhã giới thiệu cho tôi gặp souer Thơm, souer là bạn, là người mở đường, là ân nhân của anh Nhã.
Tôi lần mò từ Hà Tĩnh qua Vinh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định thì đến cầu Họ một nơi khỉ ho cò gáy chẳng mấy ai biết. Lúc đó là 10h00 đêm, nghe rõ tiếng ếch kêu ộp ộp dưới ao, không khí hoang vu ở một nơi xa lạ khiến tôi thấy hơi sợ sợ. Nghe điện thoại, Souer bảo đang đi sẽ ra ngay, thế mà hơn nửa tiếng sau mới thấy souer xuất hiện khiến tôi vừa mừng vừa bực vì Souer để mình đợi quá lâu giữa đêm hôm khuya khoắt thế này. Đi từ cầu Họ tới chỗ Souer ở gần 20 km, đường đi toàn ổ gà không hề có một ánh đèn điện. Bình thường Souer chẳng dám đi đâu sau 7h00 tối thế mà hôm nay phải lặn lội ra tới đầu đường để đón mình. Tới nơi tôi mới cảm thấy Souer quá chân tình và quảng đại.
Souer chuẩn bị cho tôi và Thông cơm tối từ hồi chiều, sợ hai đứa đói bụng souer làm đủ thứ món, lại có cả bia, trái cây và sữa chua nữa. Ở thành phố thì quá dễ dàng, nhưng nơi rừng rú thế này thì không đơn giản tí nào.
Tôi đã gặp souer cách đây mười mấy năm, hồi đó tôi mới học lớp 10 đi Nam Ban với chị bé để làm tông đồ giúp đỡ các souer và thăm người nghèo. Hồi ấy souer tu dòng Đức Bà Truyền Giáo còn bây giờ chuyển sang dòng Thừa Sai Bác Ái, một dòng mới thành lập với rất nhiều khó khăn nhưng tràn đầy nhiệt huyết và quảng đại.
Theo giới thiệu của souer Thơm, dòng Thừa Sai Bác Ái được thành lập bởi cha Nguyễn Đăng Điền – Giáo phận Vinh. Vào một ngày nọ cách đây 30 năm, cha Điền tình cờ lượm được em bé tật nguyền trong một đống phân. Em bé chỉ mới chừng 1 tuổi, bị cha mẹ bỏ rơi vì mang hội chứng down và tay chân co quắp. Chẳng ai biết tại sao em bé lại nằm trong đống phân hôi thối, nhầy nhụa. Trước cha khi gặp em, chắc cũng có nhiều người đi qua những chẳng ai ngoái đầu lại. Em bé đã trở thành thành viên đầu tiên của trung tâm khuyết tật giáo phận Vinh. Lời cha Điền nói là nỗi trăn trở của tất cả chúng ta về những số phận bất hạnh: “các em có quyền được sống, chúng ta sẽ nuôi các em đàng hoàng cho đến khi các em mất”. Có nhiều em đã ra đi vì bệnh tật, nhưng dù sao, các em đã được hưởng hơi ấm tình thương trong những ngày tháng ngắn ngủi. Một điều an ủi cho các em, hay cho chính những người cưu mang?
Sau đó dòng Thừa Sai Bác Ái được thành lập năm 1980. Nhà dòng phục vụ theo tinh thần bác ái tin mừng và theo tinh thần của mẹ Teresa Calcutta. Nhà dòng nuôi nấng trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi bị bỏ rơi, bảo vệ các bà mẹ và thai nhi. Ngoài ra nhà dòng còn đang phải giúp đỡ 72 gia đình nghèo sống lênh đênh trên sông nước, cùng 150 cụ già mù lòa và 120 học sinh nghèo đang trong nguy cơ thất học.
Tinh thần thì nhiệt tình nhưng khả năng thì hạn chế, các souer ở đây sống rất cực khổ. Các souer không có nhà ở phải xin ở nhà xứ từ đó đến giờ, bữa ăn thì đạm bạc chỉ có dọc mùng ngứa, sung muối, cà muối mà mọi người vui vẻ nói với nhau là trứng cút. Có một số người dân tốt bụng đã cho các souer mượn 2 sào đất 3 tháng để trồng rau trồng khoai để tăng thêm khẩu phần cho trẻ khuyết tật, vậy là các souer lại trở thành nông dân thứ thiệt ngày nào cũng ra đồng nhổ cỏ, tát nước, bón phân.
Nhờ có anh Nhã, tôi đã có 1 cơ hội giúp đỡ các Souer. Tuy rằng đóng góp của tôi chẳng đáng gì nhưng các Souer luôn cảm ơn và trân trọng. Giờ đây tôi lại được các Souer tiếp đón và giúp đỡ trên hành trình cuộc sống của mình. Tôi chợt nghĩ đến những câu rất nghịch lý nhưng rất thâm thúy trong lời kinh hòa bình của thành Phanxico Assizi.
Tìm an ủi người – hơn được người ủi an
Tìm hiểu biết người – hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người – hơn được người mến yêu

Vì chính khi thứ tha – là khi được tha thứ
Chính lúc quên mình – là lúc gặp lại bản thân
Vì chính khi hiến thân – là khi được nhận lãnh
Chính lúc chết đi – là khi vui sống muôn đời

Chính lúc chúng ta can đảm dám chết đi sự kiêu hãnh, ích kỷ, đố kỵ là lúc ta lan truyền sức sống, tình người và niềm tin cho người khác. Tình cảm yêu thương chân thành giữa người với người là món quà tuyệt vời nhất của mà chúng ta có thể tặng cho nhau. Xin cảm ơn những người theo chủ nghĩa “Quảng Đại Yêu Thương” để cuộc sống này ngày càng tươi đẹp và đáng sống.
Hình đại diện của thành viên
Phở
Tôi yêu QBO
Tôi yêu QBO
 
Bài viết: 841
Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 4 21, 2010 11:32 pm
Đến từ: TP Đồng Hới

Re: "Hành trình cuộc sống"->Cảm nhận từ trái tim người Việt

Bài viết chưa xemgửi bởi Phở » Thứ 6 Tháng 7 09, 2010 10:11 pm

CN ni Long được lên chương trình Công dân toàn cầu VTV3, mong cả nhà bớt chút thời gian để xem sẽ hiểu hơn về người bạn này nhé!
Hình đại diện của thành viên
Phở
Tôi yêu QBO
Tôi yêu QBO
 
Bài viết: 841
Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 4 21, 2010 11:32 pm
Đến từ: TP Đồng Hới

Trang trước

Quay về C4E

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách

cron