Phát ngôn&Hành động: Cái khôn- cái họa- cái sợ- cái dại và..

  
Mọi nơi đều có người Quảng Bình

Phát ngôn&Hành động: Cái khôn- cái họa- cái sợ- cái dại và..

Bài viết chưa xemgửi bởi romit » Thứ 7 Tháng 10 16, 2010 7:55 am

Cái khôn- cái sợ- cái dại đều là những thuộc tính của con người. Những thuộc tính đó lại tác động vào xã hội, chi phối sâu sắc xã hội, tụt hậu hay phát triển, bất hạnh hay hạnh phúc. Phát ngôn và Hành động tuần này xoay quanh câu chuyện về thuộc tính con người, cũng là xoay quanh dâu bể cuộc đời...

Đại lễ- lũ lụt và ..."cái khôn đi trước rước cái sáng suốt đi sau"

Rất kỳ lạ là những ngày đầu tháng 10 vừa qua, tạo hóa như thử thách sức lực và trí khôn của con người. Cùng lúc, cả xã hội được chứng kiến 2 sự kiện như đối lập, và "đối trọng" nhau. Một đầu- Thủ đô Hà Nội tưng bừng chăng đèn kết hoa, rạng ngời các công trình "chào mừng..." và rạng ngời ánh điện chuẩn bị đón Đại lễ 1000 năm mới có một lần.

Một đầu kia, miền Trung nhớn nhác đối mặt với cơn lũ lớn không mời mà đến, mỗi năm không chỉ một lần. Không điện, không nhà, không cửa. Người dân kinh hoàng "đón lũ" trong cái tối om của đêm trường cô tịch, của đói rét, của cái sống, cái chết mong manh không ranh giới. 85 người dân bị chết, bị mất tích và bị thương, cùng 20 vạn ngôi nhà "chìm đắm" trong mênh mông biển nước...Sự hoạn nạn đã lên đến tột cùng điểm đỉnh.

Tại xã Tân Hóa (Minh Hóa- Quảng Bình), hơn 3500 người dân, trong đó có rất nhiều trẻ em, đã phải chui vào hang tránh lũ, và suốt 5 ngày trời không gạo, không muối, không áo quần thay đổi, sống một cuộc đời ...đồ đá. Đói quá, người dân đã phải ăn cả thịt con trâu chết vô tình trôi dạt qua đó (!) Ông Thái Xuân Đào (68 tuổi) có một câu nói thật đau xót: "... Bà con cố gắng kiếp gia súc mà sống thôi..." (Bee.net.vn, 12-10-2010). Có ai đó đã ví, các em học sinh Tân Hóa, khi học bài lịch sử về nguồn gốc loài người, hẳn sẽ rất giỏi bởi những ngày qua, các em đã hiểu thế nào là đời sống người...nguyên thủy. Một sự ví von hài hước mà...cay đắng.


Đây là một trong những bức ảnh ấn tượng nhất trong trận bão lụt Miền Trung do phóng viên Hữu Khá, báo Tuổi Trẻ chụp: khi theo cano đi cứu hộ, phóng viên thấy hai cảnh tay thò ra từ một mái nhà cầu cứu. Sau khi lũ rút, tác giả quay lại tìm nhân vật trong ảnh. Hai cánh tay đó của hai em ruột Nguyễn Văn Khánh (15 tuổi) và Nguyễn Thị Thùy Linh (8 tuổi) ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) . Sau khi mẹ và em nhó nhất của hai em đã được sơ tán, bố 2 em đưa Khánh và Linh lên gác xép sát mái nhà rồi ông phải đi sơ tán cha mẹ già ở xóm bên. Khi quay lại, nước lũ chảy xiết không thể về được, đành đứng khóc nhìn về nhà. Khánh và Linh sau một đêm kiệt sức vì kêu gào và kinh hãi với dòng nước lũ bốn bề, sáng hôm sau nghe tiếng cano chạy qua 2 anh em lập tức thò tay vẫy gọi. Bức ảnh đã được truyền qua rất nhiều trang báo, diễn đàn, khiến không ít người rơi nước mắt.

Nước lũ vừa rút, hai anh em Khánh và Linh phải ra đồng giăng lưới kiếm cái ăn cho cả nhà - Ảnh: Hữu Khá
Chính vì vậy, Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội lẽ ra là một lễ hội tưng bừng cả nước hướng về, không phải của riêng Thủ đô, bỗng trở thành "tâm điểm" của những tranh cãi, phê phán. Có cả bình tĩnh và nóng nảy, có cả thấu tình đạt lý và cực đoan...Giữa lúc đó, tai nạn nổ 2 contennơ pháo ở Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, làm 4 người chết (3 chuyên gia nước ngoài, 1 người VN) và 3 người khác bị thương, khiến dư luận xã hội như quả bóng bị bơm căng tròn tột đỉnh.

Chỉ còn 2 ngày nữa là Kỷ niệm Đại lễ. Chiều thứ 6 ngày 8-10, một tin bất ngờ đồng loạt đăng trên các báo, đã như một cái van làm xẹp bớt quả bóng dư luận xã hội bởi 2 sự kiện vô tình như đối cực. Đó là quyết định của Thành ủy, UBND t/p Hà Nội dừng việc bắn pháo hoa tại 29 điểm trên toàn t/p vào đêm bế mạc Đại lễ 10-10, dành số tiền 5 tỷ đồng giúp đỡ đồng bào các tỉnh miền Trung đang phải gắng sức chống chọi thủy thần.

Trả lời phỏng vấn của p/v VietNamNet, ngày 9-10, ông Phạm Quang Nghị- Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: "Dừng bắn pháo hoa vì nghĩa vụ và trách nhiệm".

Dư luận báo chí, đặc biệt các trang mạng cá nhân (blog), sau những bức xúc, những chỉ trích, thậm chí phẫn nộ, cũng đồng loạt hoan nghênh quyết định của Thủ đô Hà Nội, là "sáng suốt, được lòng dân".

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, đó mới chỉ là "cái khôn đi trước rước cái sáng suốt đi sau". Bởi nếu là "cái sáng suốt đi trước" thì lẽ ra, quyết định ấy phải "sáng suốt đi trước" hơn rất nhiều, không đến nỗi phải "đi sau rốt" các trang mạng cá nhân lớn tiếng kiến nghị, mở đầu là blog của trannhương.com.

Thôi thì, dẫu "sáng suốt" hay "khôn ngoan" mà cuối cùng, người dân không phải "một bên cười nụ, một bên khóc thầm", thì điều đó đều là "được" cả.

Chợt nhớ tối qua, VTV1 đưa một sự kiện thời sự nóng hổi và vô cùng hồi hộp của đất nước Chile, thu hút sự quan tâm, lo lắng theo dõi của cả nhân loại. Cuộc giải cứu 33 thợ mỏ bị "chôn sống" khi sự cố sập lò xảy ra suốt gần 70 ngày qua đã thành công mỹ mãn.

Thật cảm động khi được nhìn thấy hình ảnh của Tổng thống Chile luôn có mặt trong cuộc giải cứu thần kỳ, khi ông ôm hôn rất chặt người trưởng ca- người thợ cuối cùng được đưa lên mặt đất. Phát biểu tại buổi chào đón những người thợ được giải cứu, ông nói một câu thấm thía: Cảm ơn tất cả những người thợ mỏ đã "cho chúng tôi" một bài học về tình người!

Ông - vị Tổng thống Chile, quan chức cao cấp nhất một đất nước, đã không coi đó là sự "cứu giúp", mà ngược lại, ông tự cho đã nhận được ở đó một bài học - bài học vì con người!

Phải văn hóa lắm, phải nhân văn lắm, mới có thể nhận chân giá trị của một vị thế lãnh đạo dường ấy, với nhân dân mình. Ông là người được nhận chứ không phải người "ban cho".

Lẽ dĩ nhiên, chẳng người thợ mỏ, chẳng người dân Chile nào lại muốn có một tai họa kiểu đó, để "cho" chính quyền của họ một bài học về tình người. Nhưng sự cố đó đã xảy ra. Tuyệt vời thay, người lãnh đạo một quốc gia, và những vị quan chức cấp cao của quốc gia Chile, đã "thuộc bài" một cách mỹ mãn, đáng trân trọng.

Và cũng chẳng người dân miền Trung nào lại muốn lũ lụt xảy ra để thử thách sự "thuộc bài" của những người lãnh đạo Thủ đô. Nhưng lũ lụt đã xảy ra, và các quan chức chính quyền Thủ đô cũng đã trả được bài, tuy sự "trả bài" có hơi muộn màng.


Sau khi chạy lũ về... Ảnh Tuổi Trẻ
"Con sáo lội sông"... và 2 lần hiểm họa

Khi những con lũ lớn ở miền Trung còn chưa kịp rút, thì xã hội lại tiếp tục chứng kiến những hình ảnh xót xa, cũng về chuyện sông nước, cho dù tưởng như đã quá quen thuộc.

Báo Dân trí ngày 8-10-2010 đưa tin: "Không có cầu, hàng ngày người dân và trẻ em thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam) muốn sang phía bên kia đường quốc lộ ĐT604 phải bơi qua con sông R'lang đang chảy xiết trong mùa nước lũ. Trên khúc sông, hàng chục em học sinh đứng đợi người thân đến đón sau buổi học sáng ngày 7/10.

Anh Alăng Ting cho biết: "Nhiều năm ni rồi, do không có cầu nên người dân chúng tôi muốn làm chi cũng phải bơi sông lớn. Nhiều lần cũng suýt mất mạng nhưng cũng phải liều mình chứ biết làm răng?". Còn theo Bí thư Chi bộ thôn Phú Mưa, ông Alăng Bảy: "Không có cầu, người dân và các em học sinh thôn Phú Mưa đều phải bất chấp tính mạng của mình mỗi lần có việc phải qua lại".

Nhìn tấm ảnh người cha, tay trái cầm cặp sách học sinh giơ lên quá đầu, cùng với túm quần áo, tay phải dắt đứa con gái bé bỏng, trần truồng, mái tóc đuôi gà bết nước "lội sông", mà đau xót quá.

Bỗng liên tưởng ca khúc trữ tình của nhạc sĩ Trần Tiến (Ngẫu hứng sông Hồng): "Con sáo sang sông bạt gió. Con sít thương ai, lội sông, lội sông...tìm ai!".


Những 'con sáo' đang sang sông, Ảnh: SGGP
Nhưng những con sáo bé bỏng này đâu có sự lãng mạn, mà chỉ có sự kinh hoàng khi ngây thơ lội sông để...tìm chữ.

Tôi đã lặng đi rất lâu khi nhìn tấm ảnh khiến trĩu nặng con tim. Và tự hỏi, nếu con tôi, cũng phải sống trong hoàn cảnh đó, liệu tôi có đủ can đảm cho con đi học ngày ngày như thế không? Có lẽ không! Tôi xin nhận là kẻ hèn nhát, kẻ phạm Luật phổ cập Giáo dục tiểu học, bởi tôi không thể...

Bởi tôi vẫn luôn nhớ đến vụ tai nạn sông nước đau lòng ở bến đò Chôm Lôm năm nào, đã cướp đi sinh mạng của biết bao bé thơ. Nhớ đến những em bé, cổ quàng khăn đỏ bay phấp phới, ngày ngày treo mình đu dây vượt dòng sông Poko hung dữ, cũng chỉ để đi ...tìm chữ.

Cái con chữ bé nhỏ, bỗng thành tàn nhẫn thế, khi vô tình nó thách thức, nó "đánh đố" biết bao sinh mạng của những con sáo ngây thơ.

Nhưng con chữ vô tri vô giác nó vô tình hay con người có tim, có óc vô tình? Nó vô cảm hay con người vô cảm?

Thú thật, người viết bài này, rất "dị ứng" với câu nói tưởng là khen ngợi của một vị quan chức trước hình ảnh đu dây của trẻ em bên dòng sông PoKô, vì nó... giả dối quá: "Đó là một sự sáng tạo của người dân", khi nhớ tới gương mặt căng thẳng của các em chuẩn bị treo mình vượt sông, mà vô cùng đau đớn, vô cùng phẫn nộ.

Dường như xã hội chúng ta rất hồn nhiên nên rất chóng quên. Rất chóng quên vụ đắm đò Chôm Lôm. Rất chóng quên chiếc đu dây tử thần mong manh treo trên dòng Poko chảy xiết...Nên câu chuyện lội sông R'lang của trẻ em thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam) lại tiếp diễn.

Sẽ còn biết bao con sáo thơ ngây ngày ngày lội sông...tìm chữ, ở mọi dòng sông trên đất nước này, chưa được báo chí phát hiện?

Sáng tạo là động lực cho xã hội phát triển. Nhưng nhìn những hình ảnh...sáng tạo vượt sông của những người cha, người mẹ thôn Phú Mưa, chắc những người đọc như chúng ta, chẳng ai mong muốn một sự sáng tạo cay cực đó!

Sông nước mùa lũ luôn là hiểm họa với tính mạng con người, đặc biệt với trẻ thơ, nhất là đất nước ta là đất nước của những dòng sông. Nhưng còn có một dòng sông- một hiểm họa còn lớn hơn, đáng sợ hơn- sự vô cảm của con người có trách nhiệm, chảy lạnh lẽo, âm thầm trong những con tim. Ai đó đã nói, một con người mất đi, là nối bất hạnh với cả gia đình. Nhưng niềm tin mất đi, là nỗi bất hạnh với cả một dân tộc.

Xin cả xã hội chúng ta, trong đó có các ông, các bà...từ quan chức đến tận thường dân, trong đó có tôi, có anh, có chị, có các anh, các chị... đừng để cho nỗi bất hạnh đó, ăn mòn.


Vụ nổ pháo hoa ở Mỹ Đình, Ảnh Kinh tế Nông thôn
"Không sợ mất...vợ, chỉ sợ mất ...lập trường"

Đó là câu nói nửa đùa, nửa thật và rất hài hước của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, ám chỉ một đời sống tinh thần có thật từng ngự trị trong không ít con người, mà người viết bài này liên tưởng đến, khi đọc bài viết "Cần có những Kim Ngọc mới) của tác giả Đỗ Chí Nghĩa đăng trên VietNamNet ngày 7-10 mới đây, nhân bộ phim Bí thư Tỉnh ủy, đang phát trên VTV1.

Bộ phim được khái quát, được dựng nên từ cuộc đời của một con người có thực, và đã trở thành một nhân vật lịch sử. Đó là ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (năm 1968 hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú, ông tiếp tục giữ chức vụ Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú cho đến năm 1977), một người lãnh đạo ở cơ sở, đi đầu trong công cuộc Đổi mới với chủ trương "khoán hộ" (giao ruộng đất cho nông dân). Sau này, chủ trương đó làm cơ sở cho việc ra đời chính sách "Khoán 10", góp phần kích thích sự phát triển nông nghiệp, đem lại lợi ích cho người lao động.

Nhưng cũng chính vì "đi trước thời đại" mà ông Kim Ngọc, con người có cái tên gọi rất đáng quý, lại bị thời đại của ông- của cơ chế quản lý bao cấp, cho "lên bờ xuống ruộng": Bị kiểm điểm, và phải tự phê bình nghiêm túc. Tháng 5 năm 1977, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phú lần thứ III, ông xin rút khỏi chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Năm sau, 1978, ông về hưu.

Những năm tháng của thời bao cấp, hình thức kiểm điểm thì nhẹ nhàng, nhưng "bóng ma" của sự kiện đó thật kinh khủng với một con người từng có quyền chức cao cấp như ông. Chắc chắn, nó ám ảnh không ít những cán bộ lãnh đạo khác có đầu óc sắc sảo, có khát vọng đổi mới, muốn tìm kiếm một lối "thoát nghèo" cho dân tộc, nhưng cũng vì thế mà không dám đánh đổi cả thanh danh lẫn "nồi cơm" của gia đình, vợ con, của chính mình.

Bi kịch một dân tộc chậm phát triển thì rất thực, còn cái ám ảnh thì rất "ảo", nhưng lại mang sức nặng ngàn cân!

Vì thế, cho dù hiện nay, cơ chế quản lý xã hội đã đi được những bước dài trong công cuộc Đổi mới, chúng ta vẫn luôn phải đối mặt với một thực tế đáng buồn này: "Nhiều cán bộ được đánh giá là liêm khiết, trong sạch nhưng nhìn kỹ thì hầu như họ không làm gì, không va chạm với ai, chỉ thủ thế, chờ thời... Thái độ "trung dung" ấy rất "ăn điểm" trong bối cảnh cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập...Chính cái "trung dung" ấy lại cản trở sự phát triển, khiến mọi việc chùng chình, thiếu dứt khoát và minh bạch".

Và vì thế, "Những người đứng ở "khoảng giữa", chung chung, vô thưởng vô phạt- cái sản phẩm bao cấp nặng nề đó hoá ra vẫn khá phổ biến trong công tác cán bộ hiện nay. Không ít người sống nhàn nhạt, không bản sắc, không chính kiến, nhưng "sống khoẻ" vì "bên nào" cũng cần họ"

Họ - có thể sống khỏe, rất khỏe. Nhưng dân tộc thì yếu, quốc gia thì yếu - bởi sự trì trệ, không phát triển nổi, không ra khỏi cái "bẫy trung bình".

Cũng vì thế, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc không còn sống, nhưng tên tuổi ông, nhân cách lãnh đạo vì dân của ông, vào lúc này, lại được nhắc nhớ đến, được suy ngẫm, không phải chỉ như một con người cụ thể, mà như một "hiện tượng". Người lãnh đạo dám dũng cảm đổi mới tư duy trì trệ, xơ cứng và bảo thủ của chính mình, để hành động trước đòi hỏi của cộng đồng đói nghèo, tụt hậu.

Từ chủ trương "chui" của một địa phương, biến thành chính sách công khai một quốc gia. Sự vinh danh ông - Huân chương Hồ Chí Minh cao quý được nhà nước truy tặng mới đây là sự ghi nhận đúng đắn.

Chúng ta có thể không có nhiều những con người Kim Ngọc cụ thể, nhưng rất cần có những tư duy và phẩm cách Kim Ngọc trong các quan chức lãnh đạo, trước hết là với ngành mình.

Sự đổi thay số phận một cộng đồng dẫn đến đổi thay số phận một dân tộc, bắt đầu từ sự ý thức và dũng cảm nhìn nhận ra những vật cản trong tư duy của chính mình. Sự đổi thay ấy, vẫn rất cần cả trí và dũng. Trí để sáng suốt nghĩ đúng, hợp quy luật phát triển. Dũng để đủ nghị lực, bản lĩnh vì dân, dấn thân...

Nhưng muốn vậy, xã hội ta cũng cần phải có một không khí sinh hoạt tinh thần mới, văn minh và văn hóa, sòng phẳng và minh bạch. Đó là người có thẩm quyền biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác biệt, đừng vội vã "quy chụp" cấp dưới.

Bởi mất vợ, có khi nhiều bác càng ...thích, thích lắm, vì biết đâu sẽ có vợ mới (!). Nhưng mất lập trường là mất... "tất cả". Mà rất hiếm ai có thể chấp nhận mất tất cả, để mà "dấn thân".

Chân lý không phải ở kẻ mạnh, chân lý ở thực tiễn. Câu chuyện "ông Kim Ngọc" là bài học lịch sử hiện đại, nhãn tiền rất đắt giá, sâu sắc, thấm thía.

Nhưng đời nay, có nhiều người dám "dấn thân" như ông Kim Ngọc không? Có nhiều người có cả trí và dũng để vì dân, quên thân không?

"Con đẻ", "con rơi" và câu chuyện "khôn nhà dại chợ"

Cơ chế quản lý thị trường trẻ trung đã thay thế cho cơ chế quản lý bao cấp già lão hơn 20 năm rồi. Nhưng hình như chàng kinh tế thị trường vẫn chưa trưởng thành? Mới đây, ngày 7-10, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trả lời phỏng vấn của VietNamNet với những phát ngôn cực kỳ ấn tượng, lý giải sự "chậm lớn" của "chàng".

TS Trần Đình Thiên cho rằng: "Kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa được đối xử như một động lực tăng trưởng. Có lẽ, điều ấy bắt nguồn từ một định kiến, thiên kiến, một sự "đóng đinh" vào quan niệm về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Bởi theo TS Trần Đình Thiên, "Doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 95% tổng số doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhưng vốn liếng chỉ chiếm có 30% thôi, còn lại, 50% là của khu vực nhà nước và còn lại là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 90% số doanh nghiệp tư nhân đó lại là nhỏ và vừa, nhưng là theo tiêu chuẩn Việt Nam. Còn nếu theo chuẩn quốc tế, thì đó là những DN siêu nhỏ, li ti".

Nhìn tổng thể, quy mô như thế chứng tỏ trình độ còn yếu, thậm chí rất yếu. Mặc dù vậy, đóng góp của khu vực tư nhân lại có giá trị rất lớn. Khu vực này tạo ra rất nhiều việc làm....Trong khi đó, khu vực nhà nước chỉ tạo việc làm cho chưa đến 10% lao động. Còn nếu tính số làm việc trong DN nhà nước có lẽ chỉ khoảng 5%"...

Rõ ràng, với cách cư xử như vậy, chỉ có thể nói các DN nhà nước hiện vẫn là con đẻ, các DN tư nhân hiện vẫn là... con rơi. Mà con đẻ thì nó có hư có hỗn, có làm thất thoát đến tồi tệ tiền thuế của dân thì vẫn phải thương, phải cho tiền nuôi dưỡng tiếp...

Cũng chính vì được chiều chuộng, ưu đãi, mà những thằng con đẻ này luôn làm xã hội bất an, thậm chí phẫn nộ. Vì có vụ tham nhũng, ăn cắp nào xảy ra tại các DN tư nhân- con rơi không, hay chỉ xảy ra ở các thằng con đẻ- DN nhà nước?

TS Trần Đình Thiên đã chỉ ra cái cốt lõi của "phương pháp đối xử" nhất bên trọng, nhất bên khinh này. Đó là "Vấn đề cơ chế...Xuất phát từ một cái nhìn thiên kiến từ trước để lại. Đến khi chuyển sang thị trường, giải thích cho tường minh khái niệm "vai trò chủ đạo" này lại không rõ ràng, có khi còn bị né tránh, "kiêng kỵ".

Quan niệm lĩnh vực chủ yếu, ngành nghề ưu tiên, ngành mũi nhọn với vai trò chủ đạo của DNNN lẫn lộn nhau quá, thậm chí, đồng nhất nhau. Kết cục là DNNN cứ đương nhiên như là ngành mũi nhọn, ngành chủ lực. Do đó, được ưu tiên, ưu đãi mà không cần phải biện luận gì thêm về hiệu quả... Cách làm như vậy chưa bảo đảm sự minh bạch về thể chế, cơ chế".

Thế nhưng, hệ lụy không dừng ở đó. Việt Nam chúng ta đã gia nhập WTO, nhưng có những chuyên gia kinh tế cho rằng, trên trường quốc tế, Việt Nam vẫn chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường. Mà nếu vậy, nếu vẫn tồn tại sự đối xử bất công kiểu con đẻ, con rơi với các thành phần kinh tế, thì có nước ngoài nào dám mạo hiểm "đầu tư" cho sự "chậm hiểu, chậm lớn" của chàng trai kinh tế thị trường Việt Nam không?

Người viết bài này hồi nhỏ rất hay bị cha mẹ mắng vì cái tội đành hanh bắt nạt chị, bắt bẻ em, nhưng ra chợ mua lần nào cũng bị hố: "Chỉ được cái khôn nhà, dại chợ!"

Hu...hu..."Khôn nhà, dại chợ". Các cụ nói cấm có sai!

"Có kiêng...có lợi"

Ngày 7-10, cũng trên VietNamNet có bài viết: "Bệnh trì trệ khi bầu cử vào mùa", nêu hiện tượng: "Cứ gần đến mùa đại hội đảng, bầu cử quốc hội, hội đồng nhân dân...thì "thời tiết chính trị" nóng dần lên, hầu như nhiều hoạt động trong đời sống kinh tế xã hội bị chậm lại do sự trì trệ của các cơ quan quản lý".

Ôi, ôi. Cái "hiện tượng" này nó "trẻ lâu" thế không biết. Vì nó có từ thời bao cấp, khi mà người viết bài này còn rất non dại. Đến giờ, khuôn mặt người viết bài đã có nhiều "nếp gấp thời gian" thì diện mạo "hiện tượng" này, nó vẫn y nguyên. Kính nể!

Còn nhớ ngày xưa, mỗi lần chuẩn bị bầu bán, thì không khí xã hội nó náo nhiệt lắm. Cứ vào chợ, nhìn các hàng thịt thì biết: Thủ lợn, lòng lợn, chân giò lợn...ê hề, mà thông thường mặt hàng này hàng ngày rất khan hiếm. Thì ngược lại, ở các cơ quan công quyền, không khí làm việc của nhiều vị lại "thủ thế" bấy nhiêu. Họ giống như gái đẻ - yếu nên không dám ra gió. Mà gái đẻ thì như các bọ, các mệ nhà ta luôn dặn: "Có kiêng có lành con ạ"

Y hệt nhà báo Trần Trọng Thức đã viết: "Với các vị cho dù biết chắc chắn mình sẽ được "cơ cấu lại" thì vẫn có tâm lý thủ thế. Vội vàng chi việc ký giấy phép cho dự án này, chương trình nọ, bởi một sơ suất nhỏ có khi mất ghế như chơi. Bởi biết đâu ai đó đang lăm le vị trí của mình và đang chờ một cơ hội để ra tay?

Những vị đang vận động và kỳ vọng vào một vị trí cao hơn thì lại càng án binh bất động, chờ sau bầu cử, mọi chuyện yên ổn rồi thì có muộn màng gì đâu chuyện quyền và lợi, lúc này mà sơ sẩy một chút là hư chuyện.

Không chỉ những người có chức có quyền mà ngay doanh nghiệp cũng có những tính toán. Một doanh nhân kinh doanh bất động sản có tầm cỡ lâu nay đã quá quen với chuyện chạy chọt vậy mà giờ đây cũng phải dè dặt trong chuyện chung chi. Bởi có thể "đường dây" làm ăn sắp tới sẽ có sự đổi thay.".

Nhưng cũng không hẳn chỉ hoàn toàn là sự "kiêng cữ".

Ở một vị thế khác, không khí ấy nó hì hục, hối hả, hoan hỉ, háo hức. Hối hả như nhà báo Trần Trọng Thức viết: "Có biết bao doanh nghiệp hưởng lợi từ sự ưu ái của những quan tham sắp bước ra khỏi "vũ đài chính trị". Tâm lý vét chuyến tàu cuối giúp cho cả hai bên cùng có lợi."

Nhưng dù "bước vào" hay "bước ra", thì 'cái ghế" vẫn luôn là nhân vật trung tâm, là miếng nam châm kỳ diệu. Nó lặng lẽ, lạnh lùng, lầm lì, mà quyền lực vô biên. Nó hút tham vọng của con người không giới hạn. Nó cũng lại chi phối không chỉ hành vi, cách xử thế của một quan chức cụ thể, một doanh nghiệp cụ thể, mà còn toàn bộ tâm lý, sức khỏe của xã hội. Ăn thủ lợn, nhưng phải "thủ thế". Thời thế thế thời thời phải thế. Thì cái chuyện trì trệ trong các cơ quan quản lý là chuyện 'đến hẹn em lại lên", các bác ạ!

Gái đẻ, đẻ ra con thì phải kiêng- có kiêng có lành

Cái ghế, đẻ ra...tiền, thì cũng phải kiêng- có kiêng... có lợi

Chỉ không biết diện mạo cái hiện tượng "thủ thế" này nó trẻ đến bao giờ nhỉ?
romit
Mới tìm hiểu QBO
Mới tìm hiểu QBO
 
Bài viết: 7
Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 9 29, 2010 10:49 am

Re: Phát ngôn&Hành động: Cái khôn- cái họa- cái sợ- cái dại

Bài viết chưa xemgửi bởi taczan » Thứ 7 Tháng 10 16, 2010 8:41 am

romit đã viết:Tại xã Tân Hóa (Minh Hóa- Quảng Bình), hơn 3500 người dân, trong đó có rất nhiều trẻ em, đã phải chui vào hang tránh lũ, và suốt 5 ngày trời không gạo, không muối, không áo quần thay đổi, sống một cuộc đời ...đồ đá. Đói quá, người dân đã phải ăn cả thịt con trâu chết vô tình trôi dạt qua đó (!) Ông Thái Xuân Đào (68 tuổi) có một câu nói thật đau xót: "... Bà con cố gắng kiếp gia súc mà sống thôi..." (Bee.net.vn, 12-10-2010). Có ai đó đã ví, các em học sinh Tân Hóa, khi học bài lịch sử về nguồn gốc loài người, hẳn sẽ rất giỏi bởi những ngày qua, các em đã hiểu thế nào là đời sống người...nguyên thủy. Một sự ví von hài hước mà...cay đắng.


Đây là một trong những bức ảnh ấn tượng nhất trong trận bão lụt Miền Trung do phóng viên Hữu Khá, báo Tuổi Trẻ chụp: khi theo cano đi cứu hộ, phóng viên thấy hai cảnh tay thò ra từ một mái nhà cầu cứu. Sau khi lũ rút, tác giả quay lại tìm nhân vật trong ảnh. Hai cánh tay đó của hai em ruột Nguyễn Văn Khánh (15 tuổi) và Nguyễn Thị Thùy Linh (8 tuổi) ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình) . Sau khi mẹ và em nhó nhất của hai em đã được sơ tán, bố 2 em đưa Khánh và Linh lên gác xép sát mái nhà rồi ông phải đi sơ tán cha mẹ già ở xóm bên. Khi quay lại, nước lũ chảy xiết không thể về được, đành đứng khóc nhìn về nhà. Khánh và Linh sau một đêm kiệt sức vì kêu gào và kinh hãi với dòng nước lũ bốn bề, sáng hôm sau nghe tiếng cano chạy qua 2 anh em lập tức thò tay vẫy gọi. Bức ảnh đã được truyền qua rất nhiều trang báo, diễn đàn, khiến không ít người rơi nước mắt.


Thiệt là quá xúc động romit à

romit đã viết:Chợt nhớ tối qua, VTV1 đưa một sự kiện thời sự nóng hổi và vô cùng hồi hộp của đất nước Chile, thu hút sự quan tâm, lo lắng theo dõi của cả nhân loại. Cuộc giải cứu 33 thợ mỏ bị "chôn sống" khi sự cố sập lò xảy ra suốt gần 70 ngày qua đã thành công mỹ mãn.

Thật cảm động khi được nhìn thấy hình ảnh của Tổng thống Chile luôn có mặt trong cuộc giải cứu thần kỳ, khi ông ôm hôn rất chặt người trưởng ca- người thợ cuối cùng được đưa lên mặt đất. Phát biểu tại buổi chào đón những người thợ được giải cứu, ông nói một câu thấm thía: Cảm ơn tất cả những người thợ mỏ đã "cho chúng tôi" một bài học về tình người!

Ông - vị Tổng thống Chile, quan chức cao cấp nhất một đất nước, đã không coi đó là sự "cứu giúp", mà ngược lại, ông tự cho đã nhận được ở đó một bài học - bài học vì con người!

Phải văn hóa lắm, phải nhân văn lắm, mới có thể nhận chân giá trị của một vị thế lãnh đạo dường ấy, với nhân dân mình. Ông là người được nhận chứ không phải người "ban cho".

Lẽ dĩ nhiên, chẳng người thợ mỏ, chẳng người dân Chile nào lại muốn có một tai họa kiểu đó, để "cho" chính quyền của họ một bài học về tình người. Nhưng sự cố đó đã xảy ra. Tuyệt vời thay, người lãnh đạo một quốc gia, và những vị quan chức cấp cao của quốc gia Chile, đã "thuộc bài" một cách mỹ mãn, đáng trân trọng.


Những người thợ đó thật là may mắn bởi vì họ là người dân Chi Lê

romit đã viết:"Không sợ mất...vợ, chỉ sợ mất ...lập trường"

Đó là câu nói nửa đùa, nửa thật và rất hài hước của GS. TSKH Hồ Ngọc Đại, ám chỉ một đời sống tinh thần có thật từng ngự trị trong không ít con người
Bởi mất vợ, có khi nhiều bác càng ...thích, thích lắm, vì biết đâu sẽ có vợ mới (!). Nhưng mất lập trường là mất... "tất cả". Mà rất hiếm ai có thể chấp nhận mất tất cả, để mà "dấn thân".

Chân lý không phải ở kẻ mạnh, chân lý ở thực tiễn. Câu chuyện "ông Kim Ngọc" là bài học lịch sử hiện đại, nhãn tiền rất đắt giá, sâu sắc, thấm thía.

Nhưng đời nay, có nhiều người dám "dấn thân" như ông Kim Ngọc không? Có nhiều người có cả trí và dũng để vì dân, quên thân không?


Ko biết mấy vị lãnh đạo cao ngất tầng mây có đọc cái đoạn này? Quá hay quá thấm thía

romit đã viết:Thì cái chuyện trì trệ trong các cơ quan quản lý là chuyện 'đến hẹn em lại lên", các bác ạ!

Gái đẻ, đẻ ra con thì phải kiêng- có kiêng có lành

Cái ghế, đẻ ra...tiền, thì cũng phải kiêng- có kiêng... có lợi

Chỉ không biết diện mạo cái hiện tượng "thủ thế" này nó trẻ đến bao giờ nhỉ?


Tại hạ đây ko phải gái, lại ko có ghế biết đẻ ra cái chi đây, rứa mà cũng phải kiêng đủ thứ cho nó lành
taczan
Tôi yêu QBO
Tôi yêu QBO
 
Bài viết: 919
Ngày tham gia: Thứ 3 Tháng 1 12, 2010 11:57 pm
Đến từ: Bùn đất sau lũ

Re: Phát ngôn&Hành động: Cái khôn- cái họa- cái sợ- cái dại

Bài viết chưa xemgửi bởi nguoinguon » Thứ 7 Tháng 10 16, 2010 3:36 pm

Romit ơi có phải bạn copy mà quên link không?
Nhớ lần sau chú thích nguồn tham khảo nhé
Link từ VIETNAMNET.VN
Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một lúc
Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay
Hình đại diện của thành viên
nguoinguon
Trưởng thôn bản QBO
Trưởng thôn bản QBO
 
Bài viết: 1321
Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 5 31, 2007 10:35 am
Đến từ: Rốn trời

QB

Bài viết chưa xemgửi bởi romit » Thứ 5 Tháng 9 22, 2011 4:38 pm

romit
Mới tìm hiểu QBO
Mới tìm hiểu QBO
 
Bài viết: 7
Ngày tham gia: Thứ 4 Tháng 9 29, 2010 10:49 am


Quay về • Hội đồng hương

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến8 khách

cron