Đó là vào dịp dau tháng 6/2010 chúng tôi về thăm Quảng Trị khi đất nước đã hoàn toàn bình yên, mảnh đất tuy xa mà vẫn rất đỗi thân thương với đồng bào cả nước trong những tháng ngày đầy dấu ấn kỷ niệm này sau đúng 37 năm «mùa hè đỏ lửa» của đạn, của máu thấm đẫm lên từng nhành cây, ngọn cỏ nơi Thành cổ. Ngày ấy Quảng Trị là chiến trường sinh tử đối với đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, 35 năm, thời gian liệu đã đủ cho nỗi đau chìm sâu vào ký ức ?
Thành cổ của thời Vua Minh Mạng đầu thế kỷ 19 chỉ còn lại một chút cổng thành và 2 bên tường bởi số lượng bom đạn Mỹ ném xuống đây bằng 7 quả bom nguyên tử. Thành cổ bị tơi bời, san phẳng cùng hàng chục ngàn người lính đã ngã xuống. Tất cả vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim người Quảng Trị mỗi khi lặng nhắc đến quá khứ oanh liệt.

Chiều Thành cổ giữa những ngày hè tháng 6 không ồn ào như phía Trung tâm Thị xã Quảng Trị mà lặng lẽ theo mỗi bước chân du khách. Cả khu vực 16 ha rộng mênh mông chỉ toàn cỏ và dừa. Tượng đài Thành cổ nằm trang nghiêm trong khu di tích giữa vi vút gió từ sông Thạch Hãn thổi vào. Tôi cảm nhận được bước chân nhè nhẹ của từng người khách vào đây. Chứng tích của 81 ngày đêm rực lửa, đẫm máu và nhiệt huyết tuổi thanh xuân là đây. Mỗi gốc cây, ngọn cỏ trong khu di tích là một linh hồn người lính đang yên nghỉ. Cả một vùng di tích trong ánh chiều hoàng hôn đang chầm chậm buông vừa trang nghiêm vừa trầm lặng đến xao lòng. Và tôi lạc vào dấu tích của 81 ngày đêm đã trở nên huyền thoại khi ngày 27/7, ngày dành riêng cho những người lính đã nằm lại nơi chiến trường, «ngày uống nước nhớ nguồn». Tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi đựoc nghe kể lại «mỗi lần các anh làm công trình gì trong khu vực 16 ha rộng lớn đều nhắc nhau nhè nhẹ tay xẻng, tay cuốc vì sợ chạm vào da thịt của đồng đội đang nằm dưới lớp cỏ xanh non tơ...» và tôi chợt nhớ đến 4 cầu thơ của cựu chiến binh Lê Bá Dương :
«Đò xuôi Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi hoà sông nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm».
Đó là thơ nhưng cũng là tiếng lòng, là «hồn» của một cựu chiến binh đã từng chiến đấu, đã từng vào sinh ra tử, đã từng chôn cất đồng đội bên sông Thạch Hãn.Dòng sông máu lửa năm xưa nay thành dòng sông hoa lửa - ngọn lửa của tâm linh thắm đượm nghĩa tình. Những ngọn lửa nến lung linh kết trên bè chuối cùng với hương hoa và đèn hoa đăng thả xuống dòng sông. Bao nhiêu chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy dòng sông. Nhưng Tổ quốc sẽ không quên các Anh, nhân dân sẽ không quên các Anh dù khúc tưởng niệm chỉ có thể diễn ra bằng một nghi thức giản dị mỗi năm 1 lần.
Hẳn trong mỗi chúng ta ai đã từng được một lần đến Quảng Trị cũng đều được nghe kể về những di vật thiêng liêng của những ngưòi lính năm xưa: một lá thư, một cây bút, một cuốn sổ nhật ký còn viết dang dở... Đoàn chúng tôi được đồng chí quản lý ở khu di tích Thành Cổ cho xem lá thư «đặc biệt» của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh ở xã Lê Lợi - huyện Kiến Xương - tỉnh Thái Bình gửi về cho gia đình như một điềm báo trước lúc Anh ra đi. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi đọc bức thư này :
« Quảng Trị ngày 11-9-1972,
Toàn thể gia đình kính thương...
Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã «đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất» thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.
... Mẹ kính mến ! Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên Mẹ, Mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi... Thôi Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...».
Và đây nữa là nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn với tuổi 18, đôi mươi chan chứa niềm tin :
«19-8-1972: Ngày mai tôi giáp trận. Ác liệt, đấy là một điều tất nhiên của chiến trận. Rất có thể rồi đây tôi sẽ ngã xuống. Không can gì, đấu tranh là phải đổ máu. Có máu mới có màu đỏ, có chiến thắng. Không sợ chết, không sợ hy sinh gian khổ. Cái chủ yếu là phải sống. Cuộc sống đẹp nhất là sống trong chiến trận. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn.
Hãy nghĩ như Paven Coocsaghin: «Cái quý nhất của người ta là đời sống. Cuộc đời chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa vì những dĩ vãng ty tiện và đớn hèn của mình để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp: Sự nghiệp giải phóng loài người».
Tôi lặng người đi, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các Anh, những người con vĩ đại của dân tộc. Phải có một niềm tin yêu mạnh liệt đối với đất nước thì mới có được tinh thần quật cường, kiên trung như vậy khi phải giáp mặt với làn mưa bom bão đạn, trong cuộc chiến sinh tử mà cái chết liền kề trong gang tấc. Chúng tôi đã thành kính dâng lên hương hồn các Anh những bó hoa tươi thắm như một sự tri ân trước những đóng góp xương máu không gì bù đắp nổi của các thế hệ cha, anh chúng ta. Chiến tranh đang dần lùi xa vào quá khứ, tương lai tươi sáng cho mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này đã và đang được mở ra.
Bùi ngùi chia tay Quảng Trị về với Quang Bình về lại với những công việc thường ngày, hơn bao giờ hết qua những chuyến hành hương «về nguồn» như thế này, Quảng Trị từ lúc nào đã trở nên gần gũi và thân thương với tôi biết bao nhiêu. Tôi tự nhủ sẽ phải sống làm sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha, anh đã ngã xuống... và xin hẹn gặp lại Quảng Trị thân yêu.