Ngày đất nước rong kinh tôi ngồi khóc
Bọ Lập
Mấy hôm ni ngồi mô cũng nghe nói chuyện bùn đỏ, hết nói chuyện khô lại quay sang chuyện ướt, nhiều khi cãi nhau toé khói. Người nói khô thì khó và khổ lắm, ướt thôi. Người nói đúng rồi đúng rồi, khô thì còn xơ múi gì nữa, đã khô lại còn đắt, ai thèm! Cãi và cười, rất vui. Từ chuyện bùn đỏ lại quẹo sang chuyện yêu đương thế mới kì. Tối qua nhậu ở quán 36 bờ kè, một ông nhạc sĩ trẻ đẹp trai nhắn tin cho cô bồ: “ Tối nay anh đến thăm em được không”. Cô bồ reply:” Ui không không, em đang bùn đỏ”. Anh nhạc sĩ vẫn không chịu, nhắn tiếp: ” Em yên tâm đi, về mặt lý thuyết đảm bảo an toàn.” Cô bồ reply: ” Em thèm vào cái lý thuyết của anh, làm liều rong kinh thì chết” Cả hội ôm bụng cười rũ. Tui tức cảnh mần thơ, không phải mần cả bài thơ, chỉ mần được một câu thôi:” Ngày đất nước rong kinh tôi ngồi khóc”. Cả hội khen hay hay. Ông Kwan còn tuyên bố khi anh triển lãm tranh thì cuộc triển lãm của anh sẽ có tên là Rong kinh. Kwan sẽ treo câu thơ: Ngày đất nước rong kinh tôi ngồi khóc làm cái slogan cho cuộc triển lãm của mình.
Về nhà nằm cứ cười mãi, không hiểu sao mình lại có câu thơ hay thế, he he.
Dự án bauxite: “Khô”, “ướt” hay… thôi?
\
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, thuộc Tập đoàn TKV (chủ đầu tư dự án khai thác bauxite Tây Nguyên) – là một trong những chuyên gia có ý kiến phản đối mạnh mẽ nhất đối với dự án này.
Sau thảm họa bùn đỏ tại Hungary, mới đây ông đã có bài viết trên VNN, tiếp tục khẳng định sự phản đối và đưa ra hai lý do nên dừng thí điểm để đóng cửa dự án: thứ nhất là rủi ro từ công nghệ thải bùn đỏ và thứ hai là rủi ro về kinh tế.
Các nhận định của ông Nguyễn Thanh Sơn đều dựa trên căn cứ khoa học, xuất phát từ những hiểu biết của một người có chuyên môn trong ngành. Tuy vậy, vẫn còn một vài điểm cần được “nói lại cho rõ” mà mục đích cũng là để tăng thêm cơ sở khoa học cho những ý kiến này. Chẳng hạn, ông Sơn nói rằng: “Vấn đề là công nghệ thải “khô” hay “ướt” chứ không phải công nghệ “xử lý”” và “Nếu áp dụng công nghệ thải “khô” như của các nước thì tính độc hại của bùn đỏ giảm đi rất đáng kể”.
Thực ra, tỉ lệ các cơ sở trên thế giới sử dụng công nghệ “khô” còn rất ít. Nguyên nhân là do ngoài chi phí quá cao, phần xử lý kỹ thuật cũng khá phức tạp (mà không có gì đảm bảo Việt Nam làm được). Còn công nghệ “ướt” thì như ông Nguyễn Thanh Sơn nói, “rất giống với công nghệ Hungary đã và đang áp dụng hàng chục năm nay”.
Vậy nên có lẽ chúng ta cần một cách tiếp cận thực tế hơn: “khô” hay “ướt” cũng được, miễn là phải xem trong hoàn cảnh Tây Nguyên thì dự án có đảm bảo về kỹ thuật và môi trường hay không. Thêm nữa, dự án có yếu tố “ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng” hay không.
Ông Sơn cũng khẳng định: “Chỉ những dự án (được xây dựng cách đây hàng chục năm) áp dụng công nghệ thải bùn đỏ lạc hậu (giống như công nghệ của TKV đang áp dụng ở trên Tây Nguyên) mới có bùn đỏ dưới dạng chất lỏng còn chứa nhiều hóa chất cực kỳ độc hại (như ở Hungary)”. Tuy nhiên, không như ông khẳng định, trên thực tế, các kim loại nặng trong bùn đỏ của Hungary không có gì nguy hại đáng kể – đây là điều mà Viện Hàn lâm Khoa học Hungary đã nhiều lần khẳng định.
Nhưng đó là ở Hungary, còn nhìn lại Việt Nam thì “so với Hungary, nguy cơ bùn đỏ phá hủy và gây thương vong ở Việt Nam còn cao hơn hàng trăm lần” – về điểm này thì ông Nguyễn Thanh Sơn rất có lý.
MÕ