Hội thảo về người Nguồn: Có nên xác định lại thành phần dân tộc?
Hội thảo “Xác định thành phần dân tộc của người Nguồn'' được tổ chức cuối tháng 10 vừa qua tại Quảng Bình, những nét tương đồng và khác biệt giữa người Nguồn với các dân tộc khác trong cùng nhóm ngôn ngữ Việt- Mường đã được xác định rõ. Nhưng khó khăn là ở việc nên tách họ thành một dân tộc mới (dân tộc Nguồn) hay giữ nguyên là người Kinh hoặc xếp vào các dân tộc Mường, Thổ hay Chứt? Câu trả lời sẽ càng trở nên khó khăn hơn khi nhìn vào toàn cảnh 54 dân tộc nước ta.
Người Việt... của ngày hôm qua?
PGS. TS Khổng Diễn, Viện trưởng Viện Dân tộc học cho biết: Trong cuốn “Các dân tộc thiểu số Việt Nam” của Lã Văn Lô, Đỗ Hữu Thấu... xuất bản năm 1959, người Nguồn được đưa vào dân tộc Mường, vì thời gian đó chưa xác định dân tộc Thổ (ở Nghệ An). Đến cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (xuất bản năm 1971) thì cũng đưa nó vào người Mường. Qua quá trình nghiên cứu của các nhà dân tộc học, đặc biệt là GS Mạc Đường (Viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh), người Nguồn được xác định là một nhóm địa phương của người Kinh.
Năm 1973, đoàn các nhà khoa học của Viện Dân tộc học Việt Nam đã vào Minh Hoá nghiên cứu. Qua các gia phả người dân cung cấp, phần lớn người Nguồn đều có nguồn gốc từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình nên trong những thời gian khác nhau (cách đây khoảng 5-6 thế kỷ), họ cộng cư thành nhóm Nguồn (hiện nay dân số có khoảng 4 vạn người, chiếm 70% dân số của huyện Minh Hoá).
Người Nguồn sống trong vùng tương đối tách biệt. Trong khi những vùng, miền khác có điều kiện phát triển, thì vùng này lại phát triển chậm hơn một chút nên vẫn giữ được nhiều nét văn hoá, phong tục, tập quán... Để xác định thành phần các dân tộc Việt Nam, đồng bào ở đó đều tự nhận là người Kinh cả. Nhưng có một đặc biệt là ngôn ngữ của họ hơi khác vì còn giữ được những âm Việt-Mường cổ (nghe họ nói thì không hiểu được), thành ra cũng có ý kiến cho rằng đưa về người Mường, có ý kiến để người Kinh.
Theo TS Lưu Hùng (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), xếp người Nguồn vào Kinh, Mường, Chứt, hay Thổ đều chẳng có gì sai vì cùng trong nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, vẫn cùng một tổ tiên chung.
Nói cách khác: người Mường là người Việt của ngày hôm qua, và như vậy cũng có thể nói người Nguồn cũng là người Việt... của ngày hôm qua!
Trước kia ở nước ta thường nói có khoảng 60 dân tộc. Sau khi xác minh thành phần tộc người trên phạm vi cả nước, từ tháng 3 năm 1979 chúng ta đã có được bảng danh mục chính thức 54 dân tộc (công bố của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê). Người Nguồn được coi là nhóm địa phương duy nhất của người Kinh.
Nhưng từ năm 1990 trở lại đây, đồng bào gửi rất nhiều công văn đề nghị Quốc hội, Nhà nước, tỉnh Quảng Bình...xem lại thành phần dân tộc. Nhiều người còn muốn chứng minh: “Người Nguồn chúng tôi chính là dân tộc Nguồn”(!).
Vấn đề là chính sách cho đồng bào
Tại hội thảo, các báo cáo khoa học đã so sánh người Nguồn với nhóm người Kinh (ở Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nghệ An), người Mường (ở Hoà Bình), người Thổ (ở Nghệ An) và cả người Chứt. Phần lớn các ý kiến đều cho rằng người Nguồn là một nhóm địa phương của dân tộc Thổ ở Nghệ An (vì dân tộc này cũng là nhóm có nguồn gốc khác nhau, cũng có một số từ người Kinh, cũng có một số từ người Nguồn). Hơn nữa, nghiên cứu ngôn ngữ văn hoá, phong tục, tập quán...đều cho thấy người Nguồn rất giống dân tộc Thổ từ ăn, ở, ma chay, cưới xin...
Tuy nhiên, các báo cáo của cán bộ nghiên cứu địa phương lại muốn xếp họ vào dân tộc Chứt (Sách, Mày, Rục, Mã Liềng, Arem, Xá Lá Vàng) vì họ ở ngay cạnh đó. Xét trên góc độ khoa học, thì không phù hợp. Họ không những không hiểu được tiếng nói của nhau mà trình độ văn hoá cũng khác xa nhau!
Ngay cả chính bản thân người Nguồn cũng có những ý kiến khác nhau: Một số ý kiến muốn được xếp vào Mường hoặc Chứt, một số ý kiến khác bảo: “Như thế chẳng hoá ra bảo trình độ phát triển kinh tế văn hoá tộc người chúng tôi bị thụt lùi, thua kém người Kinh, là người Kinh để có trình độ cao tốt hơn chứ”.
Một nhà dân tộc học đã hỏi ý kiến các vị bô lão về dự hội thảo: “Bây giờ không tách người Nguồn, không nhập người Nguồn, cứ để như thế này thì có ảnh hưởng gì đến các cụ không?”- Các cụ đều trả lời: “Không, chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tôi cả”(!). Cả hội nghị đều cười phá ra.!
Khi các nhà khoa học bảo: sẽ xếp người Nguồn vào nhóm Thổ, phần lớn các đại biểu người Nguồn không biết người Thổ là ai cả. Theo các nhà dân tộc học, phải cho đồng bào tiếp xúc giao lưu với nhau mới nhận ra nhau và ý thức đúng được.
Nhiều nhà dân tộc học cũng lên tiếng: nếu so sánh thì ngay cả người trong một dân tộc ở các vùng khác nhau đã khác xa nhau rồi, nói gì đến sự khác nhau giữa người Nguồn và người Thổ.
Vấn đề đặt ra là các nhà lãnh đạo địa phương nên có những cuộc tiếp xúc với các tộc người Thổ mới thấy được sự giống nhau. Hơn nữa đời sống người Nguồn ở nơi đây còn vất vả mà không có một chế độ chính sách gì. Để Giúp đồng bào phát triển vững chắc, tỉnh nên có các chính sách giúp đỡ đồng bào trong thời gian tới.
Chuyện không chỉ của riêng người Nguồn
Theo ông Khổng Diễn, nếu tách người Nguồn thành dân tộc riêng thì sẽ dẫn đến hàng hoạt các dân tộc xin tách và Việt Nam sẽ có đến mấy trăm dân tộc. Ở Bắc Giang, Tuyên Quang.... Cao Lan, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày- Thái, còn Sán Chỉ (thuộc tiếng Hán Quảng Đông), mặc dù thuộc hai nhóm ngôn ngữ khác nhau, nhưng hai nhóm người này đều biết nói tiếng của nhau (chỉ mỗi sách cúng người Cao Lan, lại toàn cúng bằng tiếng Sán Chỉ và chỉ thầy cúng đọc được). Về phong tục, tập quán, nghi lễ, nề nếp gia phong, cách làm ăn của họ hầu như hoàn toàn giống nhau. Các nhà khoa học xác định là một dân tộc với tộc danh Sán Chay, nhưng từ đó đến nay cũng có rất nhiều ý khác nhau... Tên Sán Chay không được gọi nữa, mà thường được gọi tách ra là: Cao Lan - Sán Chỉ. Các nhà dân tộc học đã tiến hành điều tra và thấy có các dòng họ lớn cùng một ông tổ chung, mới chỉ cách nhau vài đời, ở xã này là người Cao Lan, sang xã kia đã là Sán Chỉ. Có trường hợp làm cho các nhà nghiên cứu phải ngạc nhiên. Đó là một đại biểu là người Sán Chỉ, nhưng bố đẻ lại là Cao Lan. Nếu tách Cao Lan- Sán Chỉ ra thành hai dân tộc thì tách kiểu gì? Hơn nữa, nguồn gốc Cao Lan- Sán Chỉ lại là chung, đều ở nam Trung Quốc di cư vào Việt Nam, chỉ có điều đi theo hai hướng tách biệt nhau. Quá trình di chuyển dần dần (không phải như ngày nay đi một cái là đến ngay), vừa đi vừa sống, lấy vợ, lấy chồng sinh con... tiếp thu các thổ ngữ mới, dẫn đến sự nảy sinh hai nhóm ngôn ngữ đó...
Hiện nay, Viện Dân tộc học đang tiếp tục nghiên cứu xác định thành phần dân tộc cho các nhóm như: Ta Ôi (Ta Hôi, Toi Hoi, Tôi Ôi, Pà Cô), Bru-Vân Kiều... ở Thừa Thiên Huế; Pà Thẻn (Hà Giang); Dao (Mán, Động, Trại, Xá, Quần Trắng, Quần Chẹt) ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Chơ Ro (Châu Ro, Dơ Ro) ở Đồng Nai...
Theo PGS. TS Khổng Diễn: cái khó nhất là xác định đó là một dân tộc hay là nhóm của một dân tộc. Nhưng điều quan trọng là cho đến nay, nhiều nhà dân tộc học trẻ đã đi xác định lại đều thừa nhận: cách xác minh thành phần dân tộc của các vị tiền bối những năm 1960- 1970 là chuẩn xác, không có gì phải bàn lại. Tất nhiên trên tinh thần khoa học, những trường hợp nào không chính xác sẽ xác định lại!
Các nhà khoa học từ lâu đã đi đến thống nhất dựa vào 3 tiêu chí để xác định thành phần dân tộc ở nước ta: 1- Sự cộng đồng về mặt ngôn ngữ (đã là một dân tộc phải hiểu được tiếng nói của nhau); 2- những nét tương đồng về văn hoá (đây là một cái khó-vì cũng có khi cùng một dân tộc nhưng khi tách ra khỏi cộng đồng mấy chục năm sẽ khác đi); 3- ý thức tự giác tộc người (thể hiện qua tộc danh tự gọi)- (TS Lưu Hùng- Phó GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)
* "Người Nguồn chúng tôi chính là dân tộc Nguồn"
ST