Chuyến đi thứ nhất: Ngư Thuỷ - Lệ Thuỷ
1. Đôi dòng tản mạn
Mặc dù ở Quảng Bình nhưng tôi chỉ biết Ngư Thuỷ là địa danh nghèo, nơi đó có mấy O dân quân xã nả pháo ra các tàu chiến của Hạm đội 7 lảng vảng ngoài khơi trong chiến tranh chống Mỹ, và cũng chỉ có vậy mà thôi. Mãi đến khi được xem bộ phim tài liệu Trở lại Ngư Thuỷ thì mới biết Quảng Bình có những cô gái đã đi vào huyền thoại, từng làm cho thế giới khâm phục. Đó là câu chuyện của những năm tháng chống Mỹ ác liệt 1967, 1968 mà Lò Minh đã kịp ghi lại trong phim tài liệu – phóng sự về “Đại đội nữ pháo thủ“ tại làng Ngư Thuỷ, đã từng được đánh giá là trường đoạn đáng được đưa vào hợp tuyển của điện ảnh chân lý (
cenéma vérité). Ba mươi năm sau, những người làm phim đã trở lại chốn xưa để tìm gặp lại những người pháo thủ của một thời oanh liệt. Mái tóc xanh ngày xưa nay đã bạc, khuôn mặt đã có những nếp nhăn của thời gian, của nắng và gió. Nhưng thực tế phũ phàng không phải là sự trôi mãi của của thời gian mà là sự tàn nhẫn của thiên nhiên ở mảnh đất khô cằn này cũng như chính sách xã hội đối với một tập thể những người một thời làm nên chiến công lừng lẫy. Cả làng Ngư Thuỷ sống tách biệt, cô lập như một ốc đảo, một tập thể
Robinson Crusoe, họ hầu như không biết gì xảy ra ở thế giới bên ngoài và có lẽ vì thế nên đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20, các O vẫn nghĩ Liên Xô đang là nước đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa. Cả làng không có một cái Tivi, mọi người chỉ biết đến điện qua những que kèm lành lạnh. Trong làng không có lấy một nhà trẻ, một bệnh xá, không trường học và thậm chí không có lấy một con đường. Mỗi khi đi khỏi làng họ phải băng qua những đồi cát mênh mông, nóng rát hai bàn chân. Năm nào cũng có ít nhất vài ba tháng thiếu ăn dù chỉ là khoai với sắn. Có chị bị mù vì sức ép của bom, chồng lại bệnh tật. Có chị không chồng, không con đồng nghĩa với việc không có người đàn ông đi biển lấy cá về đổi gạo, đổi tiền. Cả bộ phim toát lên cuộc sống lay lắt qua ngày của các chị, các mẹ nhưng họ vẫn đùm bọc lẫn nhau để tồn tại. Tôi cũng không hình dung ra được chính sách xã hội thế nào mà khi chiến tranh chấm dứt, phần thưởng duy nhất cho những chiến sĩ anh hùng là mỗi người một chiếc áo tay dài. 30 phút của bộ phim tài liệu để ghi lại thực tế 30 năm sau chiến tranh (1967-1997) nhưng nó đã để lại trong lòng người xem nỗi buồn dài gấp cả trăm lần. Nếu như không có trường đoạn phim này thì tôi cũng không biết Quảng Bình đã có những ngày xưa bất khuất kiên cường và ngày nay phủ phàng ngậm ngùi như thế.
Bộ phim đã gây được một dư luận rộng lớn trong toàn xã hội và nó đã thực sự có hiệu lực vì chẳng bao lâu sau khi phim được trình chiếu thì trên mảnh đất anh hùng Ngư Thuỷ đã mọc lên một trạm xá, một trường học và một con đường, dù còn rất khiêm tốn nếu không muốn nói là quá nhỏ bé, nhưng tôi tin nó sẽ là con đường để người dân Ngư Thuỷ tự tin đi vào tương lại rộng mở.
Sau này tôi được xem chương trình Người Đương Thời ghi lại chuyến thăm Thủ Đô của các Chị các mẹ trong đại đội pháo Ngư Thuỷ năm xưa. Thấy các chị hạnh phúc trong tà áo dài vào viếng lăng Bác, rồi cùng nhau thăm quan những địa danh hào kiệt của đất Hà Thành trong niềm hân hoan tôi cũng thấy phần nào nguôi đi cái cảm giác buồn của lần xem phim tài liệu 2 năm về trước. Trong buổi nói chuyện với khán giả truyền hình, bài hát Quảng Bình quê ta ơi được cất lên, lúc đầu còn ngập ngừng, đứt quảng nhưng rồi vững vàng hơn làm sống dậy một Quảng Bình đất lửa.
Tôi được biết rằng, đầu tháng 5 năm 2003, chủ tịch nước Trần Đức Lương đã vào thăm lệ Thuỷ, Chủ tịch nước đã đặt vấn đề; Lệ Thuỷ đã sử dụng đầm phá như thế nào? Đã đưa được tôm càng xanh vào sản xuất hay chưa? Ông Nguyễn Tư Pháp đã thay mặt ban lãnh đạo huyện trả lời: Riêng vùng đầm phá Hạc Hải thuộc thẩm quyền của tỉnh, chưa có quyết định chính thức. Còn việc nuôi tôm càng xanh và tôm sú trên cát thì đã bắt đầu ở các xã Ngư Thuỷ, Mai Thuỷ bước đầu có hiệu quả và đang trong thời kỳ nhân rộng mô hình để phát triển trở thành nguồn thu nhập chính của người dân thuộc các xã Ngư Thuỷ, Ngư Hoà và Hải Thuỷ. Nếu dự án này thành công thì tôi tin Ngư Thuỷ sẽ hết đói nghèo để trở thành một tập thể không những anh hùng trong chiến tranh mà còn sản xuất giỏi, giàu mạnh trong thời bình.
