Tin nhắn lay động tâm can từ “cảm tử quân” hạt nhân(VnMedia) - Mấy ngày gần đây, người ta đang nói nhiều, ca ngợi nhiều về tinh thần quả cảm, anh hùng của 180 chuyên gia, kỹ sư và công nhân Nhật Bản – những người đã chấp nhận hy sinh mạng sống của mình để ở lại nhàmáy Fukushima làm nhiệm vụ ngăn chặn một thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, chẳng mấy ai biết được những người anh hùng được ví là những “cảm tử quân” đó đang phải đối mặt với những thử thách kinh khủng như thế nào và nỗi niềm trong sâu thẳm của họ ra sao.
Những tin nhắn lay động tâm can mà 180 cảm tử quân ở Fukushima gửi về cho gia đình cho thấy họ đã biết rất rõ rằng mình đang làm một nhiệm vụ tự sát. Một trong 50 người này đã gửi tin nhắn về cho biết, họ đã chấp nhận số phận của mình như “là đang mang án tử”.
Trong khi đó, một người hùng khác vừa bị phơi nhiễm một mức phóng xạ gần đủ làm chết người đã nhắn với vợ rằng: “Em hãy tiếp tục sống tốt nhé, anh không thể ở bên cạnh em được lâu”.
Hiện tại, phóng xạ ở cửa ra vào nhà máy đã ở một mức độ hoặc có thể khiến các chuyên gia, kỹ sư và công nhân ở đây chết sớm hoặc có thể khiến họ bị những bệnh rất nặng trong những năm tới.
Theo các chuyên gia, bộ quần áo kín gió mà 180 “cảm tử quân” nói trên đang mặc chẳng làm được gì nhiều trong việc ngăn chặn khả năng phơi nhiễm phóng xạ của họ.
Đây là người phụ nữ nhận được tin nhắn của chồng với nội dung: "Em hãy tiếp tục sống tốt nhé, anh không thể ở bên cạnh em được lâu. Nhóm 180 người này đã ở lại sau khi 700 đồng nghiệp của họ phải vội vàng sơ tán ra khỏi nhà máy vì mức độ phóng xạ ở đây đã trở nên quá nguy hiểm. Danh tính của những người ở lại không được tiết lộ nhưng các chuyên gia tin rằng, họ phải là những kỹ sư, công nhân hàng đầu và biết rõ, hiểu rõ nhất về nhà máy này.
Người ta tin rằng, hầu hết là những người ở tuổi trung niên đã tình nguyện ở lại vì họ đã có con trong khi những công nhân trẻ hơn có thể được đi sơ tán vì họ rất dễ bị vô sinh nếu nhiễm phóng xạ ở một mức độ nhất định.
Nhóm 180 người ở lại được chia làm 4 ca để làm việc liên tục nhằm khởi động lại các hệ thống làm lạnh trong nhà máy hạt nhân Fukushima.
Ngày hôm qua (17/3), đài truyền hình quốc gia Nhật Bản đã phát đi một chương trình đặc biệt về những “cảm tử quân” trong nhà máy hạt nhân của Nhật Bản. Những tin nhắn lay động tâm can mà họ gửi về cho gia đình đã được đọc lên trong chương trình này. Người ta cũng đã phỏng vấn người thân của những người anh hùng đó.
Một người cho biết: “Cha tôi vẫn đang làm việc trong nhà máy. Ông ấy nói, ông ấy chấp nhận số phận giống như là đang đeo án tử trên người.”
Một phụ nữ thì nói, chồng của bà đang làm việc ở nhà máy bất chấp việc ông ấy biết rằng ông ấy đang bị “dội bom” phóng xạ.
Một phụ nữ khác lại cho biết, người cha 59 tuổi của cô đã tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ ở nhà máy Fukushima. “Tôi nghe cha tôi nói ông ấy đã tình nguyện ở lại nhà máy bất chấp việc ông ấy chỉ còn nửa năm nữa là nghỉ hưu. Khi nghe thấy thế, mắt tôi đã dàn dụa nước mắt”.
“Ở nhà, ông ấy dường như không phải là người có thể giải quyết những việc lớn. Nhưng ngày hôm nay, tôi thực sự tự hào về bố. Tôi cầu nguyện cho ông ấy trở về an toàn”, người phụ nữ trên bày tỏ thêm.
Trong khi đó, một cô gái trẻ có cha tình nguyện ở lại nhà máy Fukushima cho biết: “Cháu chưa bao giờ thấy mẹ khóc dữ như vậy”. Cô gái này đã viết trên Twitter: Mọi người ở nhà máy Fukushima đang vật lộn, đấu tranh và hy sinh mạng sống của chính bản thân họ để bảo vệ các bạn. Xin Cha hãy còn sống trở về”.
Không chỉ phải hy sinh sức khỏe, tính mạng của bản thân, những người cha, người chồng của những người phụ nữ nói trên còn đang phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, chật vật. Họ phải ăn những khẩu phần ăn kiểu quân đội và uống nước lạnh để tồn tại.
Michael Friedlander, người làm việc trong bộ phận quản lý thảm họa tại những nhà máy hạt nhân tương tự ở Mỹ, cho biết: “Tôi có thể chắc chắn 100% rằng những con người đó sẽ làm bất kỳ có thể và cần thiết để làm cho nhà máyhạt nhân được an toàn, thậm chí là mạo hiểm cả tính mạng mình.
Nhật Bản lúc này đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn thảm họa hạt nhân sau khi nỗ lực dùng máy bay trực thăng dội nước xuống các lò phản ứng quá nóng để làm hạ nhiệt chúng không thành công.
Trong một nỗ lực cho thấy sự tuyệt vọng đang dâng lên, quân đội đã được triển khai để làm mát lò phản ứng ở nhà máy Fukushima bằng vòi rồng nhưng mức độ phóng xạ vẫn tăng cao.
Tuy nhiên, có khả năng Nhật Bản sẽ đạt được bước đột phá trong nỗ lực ngăn chặn một thảm họa hạt nhân khi các kỹ sư vừa mới hoàn thành việc nối một đường dây điện đến lò phản ứng số 2. Đường dây này sẽ giúp Nhật Bản khôi phục lại hệ thống làm lạnh, từ đó có thể ngăn chặn nguy cơ tan chảy lõ lò phản ứng, phát tán phóng xạ ra bên ngoài.
Mặc dù vậy, tình hình khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản vẫn còn rất nghiêm trọng nên mới đây nước này vừa tuyên bố sẵn sàng nhận sự giúp đỡ của Mỹ.